Những gợi ý để làm visa Mỹ thành công


Được đi du lịch Mỹ là mơ ước của rất nhiều người nhưng rào cản lớn nhất để biến mơ ước này thành sự thật là làm sao để có thể làm visa Mỹ thành công bởi vì làm được visa Mỹ đôi khi thật khó mà cũng thật dễ. Vì vậy bạn hãy tham khảo thêm những kinh nghiệm xin visa Mỹ dưới đây nhé.

Có nhiều người đủ điều kiện về tài chính, công việc, nhân thân tốt và lịch sử đi du lịch nhưng vẫn không lý giải được tại sao mình bị từ chối visa. Trong khi đó, nhiều người lại cảm thấy khá đơn giản khi chỉ hỏi vài câu phỏng vấn là được cấp visa.

Nguyên nhân của sự khác nhau này xuất phát từ việc Mỹ áp dụng hình thức đương đơn phỏng vấn trực tiếp với người bản địa để quyết định việc cấp visa. Vì vậy, để làm visa Mỹ thành công bạn cần lưu ý đến 2 vấn đề sau:

Thứ nhất: Bản khai thông tin DS 160 online cần phải trung thực, logic, chính xác cùng các giấy tờ kèm theo đầy đủ và hỗ trợ cho các thông tin đã khai. Rất nhiều người mặc dù giỏi tiếng anh nhưng chưa có kinh nghiệm nên đã khai sai, hoặc thông tin không logic dẫn tới việc bị từ chối.

Vì vậy trước khi khai bản DS 160, bạn cần phải chuẩn bị đẩy đủ thông tin cá nhân, gia đình, công việc, quá trình học tập, thông tin người mời (nếu có)… Hãy đọc kỹ để biết visa mình cần xin là loại gì, chuẩn bị những giấy tờ nào cho phù hợp. Đừng quên trang điểm nhẹ nhàng, chuẩn bị trang phục lịch sự, trang nhã cho buổi phỏng vần. Và bạn nhớ là nên chuẩn bị một vài câu hỏi liên quan đến hồ sơ của mình mà người phỏng vấn có thể hỏi.

Thứ hai:  Khi trả lời phỏng vấn trực tiếp với nhân viên Đại sứ quán một cách rõ ràng, mạch lạc và thuyết phục. Nếu bạn làm tốt hai điều này khả năng có được visa là rất cao.

Rất nhiều người mặc dù biết rõ những điều này nhưng không có đủ kinh nghiệm để xử lý thông tin cũng như không được tư vấn đầy đủ để có cách trả lời phỏng vấn thành công nên hồ sơ đã bị từ chối.

Sau khi phỏng vấn, bạn sẽ biết kết quả ngay, nếu được, bạn sẽ có visa vào Mỹ một năm nhiều lần và mỗi lần không ở quá 90 ngày, họ sẽ ghi thông tin để chuyển phát nhanh. Vì vậy để việc chuyển phát nhanh thuận lợi, tránh thất lạc, bạn cần có địa chỉ, điện thoại rõ ràng. Nếu trượt, họ sẽ đưa một thư từ chối được chuẩn bị sẵn với lý do rất chung chung. Vì họ có quyền từ chối mà không cần đưa ra bất kỳ lý do gì. 

Những câu hỏi thường gặp khi làm visa đi Mỹ

Hiện nay visa Mỹ vẫn là một trong số các loại visa khó xin nhất trên thế giới bởi những khó khăn về thủ tục cũng như phỏng vấn xin visa. Và để giúp các bạn có thêm thông tin tham khảo, TF Travel xin trình bày dưới đây một số tình huống thường gặp trong quá trình làm visa Mỹ, mời các bạn cùng xem nhé.  

 1. Tôi có thể xin phỏng vấn vào một ngày khác được không? 

Có thể. Vì bất kỳ một lý do nào đó mà đương đơn không thể đến phỏng vấn vào ngày đã được hẹn, đương đơn cần phải thay đổi ngày phỏng vấn của mình qua hệ thống xin hẹn phỏng vấn trên mạng tại trang web của Đại sứ quán Hoa Kỳ và phải in ra giấy xác nhận ngày hẹn mới. Đương đơn không cần phải liên hệ với Phòng lãnh sự, Đại sứ quán Hoa Kỳ.

2. Liệu thân nhân hoặc luật sư đại diện của đương đơn có được tham dự buổi phỏng vấn xin cấp visa của  đương đơn không?

Theo qui định chung được áp dụng toàn cầu, không có bất kỳ bên thứ ba nào được phép tham dự buổi phỏng vấn xin cấp visa.

3. Đương đơn như thế nào thì được xem là “có sự ràng buộc với Việt Nam”?

“Những ràng buộc” ở đây là những khía cạnh cuộc sống của đương đơn mà chúng ràng buộc đương đơn với nơi mình cư trú, bao gồm các mối quan hệ gia đình, công việc và sở hữu tài sản. Trong trường hợp đương đơn còn nhỏ tuổi, nhân viên Đại sứ quán phỏng vấn sẽ xem xét về trình độ học vấn, bảng điểm, tình trạng cha mẹ của đương đơn và những kế hoạch trong tương lai cũng như triển vọng tiềm năng của đương đơn ở Việt Nam. Mỗi đương đơn có một tình trạng khác nhau, nên sẽ không có một câu trả lời chung cho đương đơn để chứng minh mối ràng buộc này.

4. Tôi có được cấp visa nếu như tôi có một lá thư từ một người có chức quyền bảo đảm việc quay trở về Việt Nam của tôi ?

Theo luật của Hoa Kỳ, mỗi đương đơn phải tự mình thuyết phục nhân viên Đại sứ quán bằng chính khả năng của mình. Chính vì vậy, một lá thư từ người có chức quyền cũng không thể chứng minh mối ràng buộc của đương đơn với đất nước mà đương đơn đang cư trú.

5. Tôi có thể phỏng vấn bằng tiếng Việt được không vì tôi nói tiếng anh không tốt

Có thể. Các nhân viên Đại sứ quán đều biết tiếng Việt và có phiên dịch phục vụ đương đơn phỏng vấn.

6. Tôi có nên không khai báo rằng tôi có bà con thân thuôc đang sinh sống tại Hoa Kỳ, hoặc tôi có hồ sơ bảo lãnh định cư hoặc tôi đã bị từ chối visa trước đây? Và nếu như tôi giấu giếm, không khai báo hoặc nộp giấy tờ giả mạo thì sẽ có hậu quả gì?

Nên khai báo thành thật, rõ ràng là tốt nhất. Chúng tôi cũng biết và hiểu rằng rất nhiều đương đơn có gia đình, họ hàng sống tại Hoa Kỳ, nhưng đương đơn chỉ muốn thăm viếng họ trong thời gian ngắn cũng như đương đơn đang có hồ sơ bảo lãnh nhưng chưa có ý định định cư tại Hoa Kỳ vào thời điểm này. Do đó, tốt nhất là đương đơn nên khai báo thành thật tình trạng của mình. Điều hiển nhiên, nếu nhân viên Đại sứ quán phỏng vấn phát hiện đương đơn cố tình giấu giếm hoặc cung cấp thông tin sai lệch thì chắc chắn đơn xin cấp visa sẽ bị từ chối và trong một số trường hợp, đương đơn đó sẽ vĩnh viễn bị cấm không được nhập cảnh vào Hoa Kỳ.

7. Tôi đã trình ra tất cả các giấy tờ theo hướng dẫn, tôi có được cấp visa không?

Điều này không thể nói trước được. Bởi vì nhân viên Đại sứ quán phỏng vấn sẽ phải áp dụng điều khoản 214(b) của Bộ Luật Di Trú và Nhập Tịch Hoa Kỳ (INA) để quyết định xem đương đơn có đủ điều kiện được cấp visa không. Một phần điều khoản này nêu rằng:

” Mỗi ngoại kiều (đương đơn xin visa) sẽ được coi như có ý định định cư cho đến khi đương đơn, vào thời điểm xin cấp visa, thuyết phục được viên chức lãnh sự rằng đương đơn hội đủ điều kiện được cấp visa. . .”

Điều này có nghĩa là nhân viên Đại sứ quán, theo tinh thần của điều luật, luôn xem đương đơn như đang có ý định định cư tại Hoa Kỳ cho đến khi đương đơn chứng minh được điều ngược lại. Đương đơn có thể đưa ra những chứng minh dưới nhiều hình thức khác nhau, nhưng khi tổng hợp lại thì chúng phải đủ thuyết phục viên chức lãnh sự tin rằng những mối ràng buộc về xã hội, gia đình, kinh tế và các ràng buộc khác ở Việt Nam của đương đơn là lý do buộc đương đơn phải rời khỏi Hoa Kỳ khi kết thúc thời gian lưu trú tạm thời. Đương đơn nên chuẩn bị để trình bày trường hợp của mình thật rõ ràng và chính xác.

8. Tại sao trong cuộc phỏng vấn của tôi nhân viên Đại sứ quán chỉ hỏi tôi một vài câu hỏi và hầu như không xem đến những giấy tờ của tôi?

Một nhân viên Đại sứ quán trong một ngày làm việc có thể phải phỏng vấn rất nhiều đương đơn nên thời gian để phỏng vấn một đương đơn thường chỉ từ 2 – 3 phút. Tuy nhiên, trong đơn xin visa của đương đơn nếu được hoàn tất đầy đủ các thông tin cần thiết cho việc xét cấp visa. Nhân viên Đại sứ quán chỉ xem đến những giấy tờ của đương đơn khi họ cần làm sáng tỏ hơn nữa tình trạng của đương đơn thì cuộc phỏng vấn có thể diễn ra ngắn hơn.

9. Nếu được cấp visa công tác hoặc du lịch (B1/B2), tôi có thể ở Hoa Kỳ được bao lâu?

Có sự khác nhau giữa thời gian hiệu lực của visa (dài nhất là một năm cho người Việt Nam) và thời gian được phép lưu lại Hoa Kỳ (mà có thể trong một vài ngày). Ngày hết hạn của visa là ngày cuối cùng mà đương đơn được phép vào Hoa Kỳ. Khi nhập cảnh, các viên chức Bộ An ninh nội địa (DHS) tại các cửa khẩu, không phải là viên chức lãnh sự, sẽ quyết định thời gian đương đơn được phép ở lại Hoa Kỳ để đương đơn hoàn thành mục đích của chuyến đi.

Nếu đương đơn muốn lưu trú ở Hoa Kỳ lâu hơn thời hạn được phép thì đương đơn phải gửi đơn yêu cầu xin gia hạn đến văn phòng Sở Di Trú Hoa Kỳ (USCIS). Các hình phạt sẽ được áp dụng đối với đương đơn nào lưu lại Hoa Kỳ quá thời hạn cho phép. Ngay cả việc “ở quá hạn” một ngày cũng có thể ảnh hưởng rất xấu đến cơ hội được cấp visa trong những lần sau.

10. Nếu làm visa du lịch Mỹ hoặc làm visa công tác Mỹ tôi có thể làm gì ở Hoa Kỳ?

Visa cho khách thăm là visa được cấp cho các đương đơn lưu trú tạm thời ở Hoa Kỳ với mục đích công tác hoặc du lịch.

” Công tác” nói chung không bao gồm các công việc sinh lợi nhuận, nhưng nó bao gồm hầu hết các hoạt động thương mại hợp pháp khác. Một đương đơn được cấp visa công tác có thể đến Hoa Kỳ để tiếp xúc với các hội viên thương mại, thương lượng, ký kết các hợp đồng, mua hàng hóa, giải quyết về tài sản, tham dự các hội nghị chuyên ngành hoặc thương mại,  làm nhân chứng trong một phiên tòa, hay tiến hành các cuộc nghiên cứu độc lập.

“Du lịch” bao gồm các dạng tham quan, thăm thân, thăm bạn bè, chữa bệnh, tham gia biểu diễn của các nghệ sĩ nghiệp dư không có thù lao về âm nhạc, thể thao, và các sự kiện hoặc các cuộc thi tương tự khác, tham dự các hội nghị, các buổi tọa đàm, các hiệp hội doanh thương hoặc các tổ chức xã hội. Tại cuộc phỏng vấn, đương đơn phải giải thích thật rõ ràng lý do muốn đến Hoa Kỳ. Nhân viên Đại sứ quán phỏng vấn sẽ dựa vào đó quyết định loại visa thích hợp cho mỗi đương đơn.

11. Nếu có chồng/vợ là công dân Hoa Kỳ thì có thể xin làm visa du lịch Mỹ để thăm chồng/vợ ở Hoa Kỳ tại Đại sứ quán Hoa Kỳ không?

Có thể. Tuy nhiên, sẽ rất khó khăn cho các đương đơn thuyết phục nhân viên Đại sứ quán phỏng vấn rằng mình chỉ có ý định viếng thăm chồng/vợ trong thời gian ngắn, điều kiện để được cấp visa du lịch. Khi các nhân viên lãnh sự thuộc Bộ Ngoại giao xem xét các đơn xin cấp visa không di dân vào Hoa Kỳ, theo tinh thần của điều luật, luôn xem các đương đơn như đang có ý định định cư tại Hoa Kỳ cho đến khi các đương đơn chứng minh được điều ngược lại. Nếu đương đơn nào bày tỏ ý định của mình sẽ định cư trong tương lai gần, thì sẽ vô cùng khó khăn cho đương đơn để chứng minh rằng mình sẽ không ở lại Hoa Kỳ sau khi đã nhận được visa du lịch vào Hoa Kỳ. Hầu hết các đương đơn không thể trình bày “ý định kép” (có nghĩa là trước mắt đương đơn chỉ đi trong thời gian ngắn nhưng sau này sẽ đi định cư), điều mà khiến cho đương đơn rất khó hội đủ điều kiện được cấp visa du lịch.

12. Một công dân Việt Nam có thể làm visa không di dân vào Hoa Kỳ tại Đại sứ quán/Lãnh sự quán Hoa Kỳ ở nước khác được không?

Có thể. Tuy nhiên, điều này không được khuyến khích vì nộp đơn xin cấp visa không di dân vào Hoa Kỳ tại Đại sứ quán/Lãnh sự quán Hoa Kỳ ở một nước thứ ba như Malaysia, Thái Lan, v.v… vì rất khó để các nhân viên Đại sứ quán/ Lãnh sự quán ở các nước đó xác định được những rằng buộc chặt chẽ của đương đơn với đất nước của họ và thường là các nhân viên này sẽ từ chối cấp visa và thông báo cho đương đơn về nộp đơn xin cấp visa vào Hoa Kỳ ở đất nước của mình.

13. Nếu hộ chiếu đã hết hạn tuy nhiên visa vẫn còn giá trị và được ra vào nhiều lần thì có phải làm visa đi Mỹ mới không khi có hộ chiếu mới?

Đương đơn không cần làm lại visa khác mà có thể  ử dụng hộ chiếu cũ (có visa còn giá trị) và hộ chiếu mới để đến Hoa Kỳ.

14. Đơn xin cấp visa không di dân của tôi đã bị từ chối. Tôi phải làm gì để được xem xét lại cho visa bị từ chối?

Theo qui định chung được áp dụng toàn cầu, bất kỳ đơn xin cấp visa không di dân nào, một khi đã bị từ chối theo Điều khoản 214(b), sẽ không được xem xét lại cho đến khi đương đơn đó xin tái phỏng vấn. Tiến trình đúng cho việc xin xem xét lại visa bị từ chối là đương đơn phải xin tái phỏng vấn để một nhân viên Đại sứ quán khác xem xét lại đơn xin cấp visa của mình. Đương đơn phải đóng lại phí xin cấp visa và lấy ngày hẹn khác để tái phỏng vấn. Lưu ý rằng chúng tôi luôn khuyến cáo các đương đơn đã hơn một lần bị từ chối là KHÔNG nên tái phỏng vấn ngay cho đến khi tình trạng của đương đơn có sự thay đổi đáng kể, vì nếu không rất có thể đương đơn sẽ bị từ chối lần nữa. 

Kinh nghiệm để phỏng vấn làm visa Mỹ thành công


Khi làm visa Mỹ cũng như các loại visa khác, ngoài vấn đề chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, giấy tờ  được yêu cầu thì việc chuẩn bị thật tốt nội dung buổi phỏng vấn sẽ là một trong những yếu tố quyết định cho việc bạn có được cấp visa hay không. Vì vậy để có được một buổi trả lời phỏng vấn thành công, bạn nên tham khảo thêm một số kinh nghiệm dưới đây: 

   Để có một buổi trả lời phỏng vấn làm visa mỹ thành công, bạn nên có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và tham khảo thêm một số kinh nghiệm dưới đây

1. Nên trình những giấy tờ gốc và xác thực.
Nếu bạn trình cho nhân viên Đại sứ quán xem những giấy tờ giả có sửa đổi bị xem là gian lận thì đây sẽ là một trong những nguyên nhân đầu tiên đưa đến việc bạn bị từ chối visa. Đại sự quán Hoa Kỳ, với một trong những Bộ phận kiểm soát gian lận lớn nhất và tinh vi nhất, có thể khám phá những giấy tờ giả mạo và sự gian lận của bạn.

 2. Nên thể hiện sự trung thực.
Có nhiều người đủ điều kiện để được cấp visa, nhưng trong quá trình phỏng vấn họ lại nói dối nhân viên Đại sứ quán vi họ nghĩ rằng điều đó tốt cho trường hợp của họ. Tuy nhiên họ lại không lường trước được rằng nếu khi nhân viên lãnh sự khám phá được, họ sẽ bị cấm vào Mỹ suốt đời. Nhân viên Đại sứ quán là những người có trình độ học vấn cực cao và được đào tạo nhiều kỹ năng một cách bài bản nên họ có thể dễ dàng nhìn nhận được ai đang nói dối hay che dấu bất cứ sự thật nào.  Vì vậy hãy luôn trung thực trong mỗi câu trả lời bạn nhé.

3. Không nên kể những chuyện cá nhân.
Lúc trả lời câu hỏi phỏng vấn, bạn nên tránh kể chuyện đời bạn hay kể chuyện gia đình của bạn cho nhân viên lãnh sự bởi vì nhận viên lãnh sự trong một ngày phải thực hiện phỏng vấn rất nhiều người vì thế thời gian dành cho mỗi người là không nhiều nên họ sẽ không muốn nghe bạn kể chuyện dài dòng cho một câu hỏi ngắn. Khi họ đặt câu hỏi là họ muốn xem bạn đủ tư cách để được cấp visa theo đòi hỏi của luật di trú Hoa Kỳ hay không.

4. Lắng nghe hết câu hỏi.
Nếu bạn vội vàng trả lời trước khi nhân viên lãnh sự dứt lời thì có khi bạn không trả lời đúng câu hỏi mà họ đặt ra và thay vì làm cho cuộc phỏng vấn được mau kết thúc, bạn lại làm kéo dài cuộc phỏng vấn, điều đó thật không tốt chút nào.

5. Bám vào vấn đề và trả lời thẳng vào câu hỏi. 
Thỉnh thoảng, nhân viên lãnh sự đặt một câu hỏi chỉ cần trả lời «Có» hay «Không». Nếu gặp một câu hỏi như vậy, bạn nên trả lời thẳng câu hỏi thay vì trả lời vòng quanh không nhắm vào câu hỏi đặt ra. Nói một cách khác, bạn nên trả lời ngắn gọn, nhưng nhắm vào yêu cầu của nhân viên lãnh sự và thỏa mãn quan tâm của họ. Dĩ nhiên là nếu gặp một câu hỏi cần sự giải thích thì bạn giải thích cho họ, nhưng nhớ là phải đi thẳng vào vấn đề.

6. Bạn phải chắc chắn hiểu câu hỏi trước khi trả lời.
Nếu bạn không hiểu câu hỏi thì bạn nên lịch sự cho họ biết để họ có thể lập lại câu hỏi, dùng từ đơn giản hơn hay nhờ người thông dịch lại cho bạn. Nhân viên Đại sứ quán không muốn bạn trả lời một câu hỏi mà bạn không hiểu  và nếu bạn không cho họ biết thì  họ sẽ không biết rằng bạn không hiểu câu hỏi.

7. Không nên đoán câu hỏi.
Nếu bạn không biết trả lời câu hỏi, hay bạn không nhớ thì bạn cho nhân viên Đại sứ quán biết. Họ không muốn bạn đoán nếu bạn không biết. 

Thêm kinh nghiệm để phỏng vấn làm visa du học Mỹ thành công


Từ lâu, phỏng vấn làm visa Mỹ nhất là visa du học Mỹ luôn là nỗi ám ảnh đối với sinh viên Châu Á nói chung, và sinh viên cũng như phụ huynh Việt Nam nói riêng. Nhiều người bị từ chối cấp visa nhiều lần mà vẫn không hiểu lí do tại sao.  

1. Luyện tập trả lời các câu hỏi trước.
Trước tiên, bạn cần tâm niêm rằng nhân viên Đại Sứ Quán chỉ cấp visa cho bạn khi thấy bạn trung thực, tự tin. Họ muốn biết rõ về bản thân bạn, mục tiêu của bạn và những dự định của bạn trong thời gian ở Mỹ. Do đó bạn cần tự chuẩn bị trả lời một số câu hỏi đại loại như:

•  Tại sao bạn không chờ học hết phổ thông/đại học ở Việt Nam rồi mới đi?

•  Tại sao bạn chọn Mỹ mà không phải là New Zealand , Australia hay Europe?

•  Tại sao bạn lại chọn trường Đại học này mà không phải những trường khác?

•  Bạn muốn làm gì sau khi học xong Đại học/Thạc sĩ?

•  Từ đâu bạn có số tiền để thanh toán chi phí học tập của mình? (Bạn không cần đưa ra con số cụ thể trong tài khoản ngân hàng của mình. Chỉ cần cho họ thấy bạn đang có trong tay tiền để chi trả cho năm thứ nhất và kế hoạch tài chính cho những năm tiếp theo. Quan trọng nhất là thái độ tự tin của bạn. Đừng vội đưa ra giấy xác nhận của ngân hàng trừ khi được yêu cầu.

•  Bạn có ý định trở về Viêt Nam sau khi học xong không? (Hãy trả lời “Yes, I would” là đủ. Đừng kể lể chuyện công ty A đầu tư cho bạn và sẽ nhận bạn về làm việc vv…Cũng đừng cố gắng thuyết phục người phỏng vấn bạn. Trả lời ngắn gọn, tự tin là đủ. Nên nhớ nhân viên Đại sự quán có đủ kinh nghiệm và khả năng để đọc được bạn trong phút chốc.

2. Đừng lo lắng quá.
Dù bạn có phỏng vấn ở Đại Sứ Quán hay Tổng Lãnh Sự thì cũng đừng lo lắng vì nơi bạn phỏng vấn không quan trọng. Quan trọng nhất là bạn trả lời các câu hỏi như thế nào. Các nhân viên lãnh sự quán có thể đã từ chối cấp visa cho vài người trước bạn nhưng đừng để điều đó làm bạn sợ hãi. Có thể họ cũng sẽ từ chối bạn là cùng. Nhưng bạn vẫn có thể nộp hồ sơ xin phỏng vấn lại.

Nếu như bạn tiếp tục bị từ chối, không sao cả. Bạn còn có nhiều cơ hội ở các quốc gia khác. Một khi việc bị từ chối visa không còn ám ảnh bạn, chẳng có gì khiến bạn phải lo lắng nữa, bạn từ đó sẽ bình tĩnh và tự tin trước khi bước vào cuộc phỏng vấn. May mắn là yếu tố không thể loại trừ, nhưng nó chỉ là 1 trong số 100 yếu tố còn lại. Bạn hoàn toàn có thể kiểm soát 99% các yếu tố còn lại, vì vậy đừng làm hỏng chuyện chỉ vì tâm lí không tốt trước khi phỏng vấn.

3. Luôn giữ bình tĩnh. 

Khi bạn mất bình tĩnh thì làm sao có thể đưa ra những câu trả lời chuẩn xác. Vì vậy hãy tự tin lên. Điều đó không có nghĩa bạn xem thường tầm quan trọng của buổi phỏng vấn. Tâm lí ngạo mạn, bất cần chỉ làm nhân viên Sứ Quán ác cảm và tìm lí do từ chối cấp visa cho bạn. Bạn đã được trường đại học chấp nhận, bạn thực su muốn đi học, bạn có đủ tài chính, vì vậy chẳng có lí do gì người ta lại từ chối bạn trừ khi bạn tự làm mọi thứ trở nên lộn xộn vì trả lời lắp bắp, dài dòng quá mức.

4. Chứng minh việc quay trở về Việt Nam?
Nhân viên Đại Sứ sẽ thường không dễ tin tưởng khi bạn nói rằng mình sẽ trở về Việt Nam và bản thân bạn cũng không có cách nào để chứng minh một cách tuyệt đối là mình chắc chắn sẽ trở về, vì vậy hãy trả lời một cách tự tin về kế hoạch du học của bạn khi được hỏi.

Nếu như một quốc gia có bài xích người nhập cư, người ta sẽ không tin tưởng vào lời nói của bạn dựa vào một vài phút phỏng vấn. Tất cả chỉ là thủ tục hình thức để họ có một lí do để từ chối câp visa cho bạn. Nếu như thực sự muốn, họ hoàn toàn có thể trục xuất bạn ra khỏi nước Mỹ ngay khi bạn vừa tham dự lễ tốt nghiệp. Họ cũng sẽ không cho bạn cơ hội 12-24 tháng để tìm việc sau khi ra trường.

Về mặt lý thuyết, nước Mỹ cần du học sinh nhiều hơn du học sinh cần họ. Hãy thử nhìn sự việc từ một góc độ khác. Sau khi đào tạo một đội ngũ nhân tài, liệu họ có thực sự muốn bạn trở về nước làm việc và rồi trở thành đối thủ cạnh tranh với nhân lực của họ trong tương lai?

Không. Chắc chắn là không. Nước Mỹ luôn tìm kiếm và thu hút tài năng từ khắp nơi trên thế giới. Chính sách này được thực thi ngay từ vòng phỏng vấn visa du học. Ai có thể trở thành những công dân Mỹ ưu tú, và ai không thể? Làm sao họ có thể quyết định chính xác trong vòng vài giây? Đừng cố sức thuyết phục nhân viên Đại sứ. Nếu như họ đã quyết định cho bạn trượt visa, chẳng có lời giải thích nào có thể thuyết phục được họ.

5. Trả lời phỏng vấn thật rõ ràng nhưng đừng cố tỏ ra thông minh.
Các bạn sinh viên nhân học bổng thạc sĩ, tiến sĩ thường có xu hướng đưa ra những câu trả lời mang tính hàn lâm và phức tạp. Nếu như bạn được hỏi “tại sao lại chọn trường Đại học này?” thì đừng sa đà vào những câu trả lời với những cụm từ chuyên môn phức tạp. Tốt nhất hãy trả lời bằng những thuật ngữ mà người phỏng vấn bạn có thể hiểu được.


6. Đừng lo lắng nếu bạn chỉ học một trường bình thường.
Nhân viên Đại sứ thường không bận tâm về chuyện bạn sắp vào học những trường đại học ít danh tiếng, thậm chí là đại học cộng đồng. Họ chỉ phỏng vấn bạn để biết tối thiểu bạn cũng hiểu tại sao mình lại chọn vào học trường như vậy. Chẳng bao giờ có chuyện vì bạn chỉ vào học một trường bình thường nên bạn phải trả lời các câu hỏi phức tạp hơn. Cách tốt nhất là tìm hiểu một số thông tin liên quan tới khóa học mà bạn đã đăng ký để trả lời những câu hỏi mà nhân viên Đại sứ quán đưa ra.

7. “Ai là người làm hồ sơ xin visa cho bạn?”
Nếu như được hỏi có phải công ty tư vấn du học điền đơn xin visa (DS160) cho bạn không, đơn giản hãy trả lời không. Đừng cố đưa ra bằng chứng thuyết phục nhân viên phỏng vấn bạn. Nhiều bạn hoang mang với tin đồn rằng bạn cần nhớ địa chỉ IP của mình để khi cần đưa ra cho nhân viên Đại sứ kiểm tra máy tính bạn đã dùng để nộp đơn xin visa (DS160).

Ai mà nhớ nằm lòng được địa chỉ IP kia chứ?Đó không phài một phần của nội dung buổi phỏng vấn. Nếu có thì chỉ làm xuất hiện những tình huống “khó đỡ” khác cho bạn mà thôi. Nếu như nhân viên Đại sứ lặp lại câu hỏi trên, bạn có thể nói rằng bạn không có gì để giấu diếm và họ có thể hỏi bạn bất kì câu hỏi nào liên quan đến đơn xin visa DS160.

8. Bước vào phòng phỏng vấn. 

Bạn không cần lo lắng về số buồng hay nhân viên Đại sứ nào đó phỏng vấn bạn. Ngay khi bạn bước đến cửa sổ buồng phỏng vấn, chẳng ai quyết định cấp hay từ chối visa ngay khi vừa nhìn thấy bạn. Dù vậy, ấn tượng ban đầu bạn mang lại cho nhân viên Đại sứ phỏng vấn bạn bao giờ cũng rất quan trọng. Vì vậy hãy nhìn thẳng một cách tự tin. Cách bạn bước tới buồng phỏng vấn và chào người đối diện sẽ quyết định ấn tượng ban đầu.

Tóm lại, bạn muốn đi học, bạn được một trường đại học chấp nhận và bạn có chứng minh tài chính thì chẳng có lí do gì phải lo lắng cả. Đừng đánh giá thấp bản thân mình, đừng đánh mất chính mình do căng thẳng, hồi hộp. Một khi bạn thông suốt được như vậy, những lo lắng, căng thẳng của bạn sẽ tự nhiên biến mất và việc xin được cấp visa sẽ không còn khó khăn với bạn đâu. 

Kinh nghiệm làm visa Mỹ bạn cần biết


Đối với người Việt Nam, visa Mỹ luôn là loại visa khó xin nhất bởi những khó khăn về mặt thủ tục cũng như trong quá trình phỏng vấn. Chính vì vậy, để có thể làm visa Mỹ được dễ dàng hơn, bạn nên tham khảo thêm một số kinh nghiệm làm visa Mỹ dưới đây:

1.Chứng minh nhân thân :
Nhiều người khi làm visa thường nghĩ rằng Mỹ chỉ đánh trượt những người làm visa du lịch Mỹ, chứ có thư mời từ hãng, công ty bên Mỹ hoặc người thân bên Mỹ báo lãnh thì sẽ chắc chắn sẽ có.  Thực tế đôi khi có thể bạn  sẽ bị đánh trượt visa vì những ràng buộc về gia đình tại Việt Nam chưa nhiều như: chưa có gia đình, chưa có con, còn trong độ tuổi lao động…lý do này tuy nhỏ nhưng khả năng trượt lại rất cao đấy.

2. Chứng minh tài chính
Trừ khi bạn làm visa công tác Mỹ thì sẽ được công ty chứng minh tài chính còn khi làm các các loại visa khác bạn  đều phải tự chứng minh khả năng tài chính ngay cả khi người bảo lãnh đã đề rõ là mọi chi phí do người mời chi trả, việc bạn không thể chứng minh tài chính của mình thì khả năng bị từ chối visa cũng khá cao.

Ngoài ra việc khai tiền tiết kiệm quá cao, trong khi bạn không chứng minh được nguồn gốc của số tiền hoặc không logic với thu nhập bạn cũng dễ dàng bị từ chối vì lý do này.

3. Chứng minh nghề nghiệp :
Người làm visa khi muốn xin hợp đồng lao động của trong một công ty tư nhân hoặc cổ phần nào đó sẽ không quá khó khăn. Chính vì vậy, Đại sứ quán sẽ có nghiệp vụ để kiểm tra thông tin là sự thật hay giả mạo. Vì vậy, đã có rất nhiều người vbij trượt visa vì lý do này mà không biết tại sao. Do đó khi chuẩn bị hồ sơ bạn cũng đừng xem nhẹ vấn đề này. Đối với những người đang làm việc  nhà nước hoặc các tổng công ty lớn sẽ là một lợi thế khi xin visa đó.

4. Khi phỏng vấn:
Một ngày Đại sứ quán sẽ tiếp một lượng lớn người đến phỏng vấn, do vậy bạn chỉ có 2 phút để phỏng vấn và thể hiện mình với cán bộ tại Đại sứ quán. Ngoài việc ăn mặc đẹp, lịch sự, bạn hãy thể hiện thái độ tự tin và trung thực khi trả lời phỏng vấn nhé, điều đó sẽ là yếu tố quyết định cho việc xin visa có thành công hay không của bạn đó.

Thủ tục làm visa du học Mỹ


Mỹ là quốc gia hùng mạnh với hệ thống giáo dục hàng đầu thế giới. Nơi đây có rất nhiều trường gồm các trường trung học, cao đẳng và đại học uy tín với đầy đủ các ngành học cho học sinh sinh viên, bằng cấp được quốc tế công nhận. Vì thế, du học Mỹ là niềm mơ ước của rất nhiều học sinh, sinh viên trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Khi bạn đã lên kế hoạch cho việc đi du học Mỹ thì việc đầu tiên là phải làm visa du học Mỹ. Nhưng nếu bạn còn những bỡ ngỡ về thủ tục làm visa du học Mỹ thì hãy tham khảo thêm những thông tin dưới đây nhé.

Hồ sơ làm visa du học Mỹ bao gồm:

Hộ chiếu gốc và tất cả các hộ chiếu cũ
01 ảnh cỡ 5 x 5 mới chụp trong vòng 6 tháng, phông nền trắng, mặt nhìn thẳng
Bảng điểm và bằng cấp mà đương đơn được cấp trong quá trình học trước đây;
Điểm thi từ những kỳ thi chuẩn hoá do trường học yêu cầu, ví dụ như điểm TOEFL hoặc SAT;
Bằng chứng về tài chính (ví dụ như: hồ sơ thuế, sổ ngân hàng, giấy tờ chứng minh thu nhập, giấy phép kinh doanh, giấy tờ thuế VAT, hợp đồng lao động) chứng minh rằng sinh viên, cha mẹ của anh ta/cô ta, hoặc người bảo trợ có đủ nguồn tài chính để trang trải tiền học phí và các chi phí sinh hoạt trong suốt thời gian anh ta/cô ta học tập tại Hoa Kỳ;

Nếu chồng/vợ và/hoặc con cái của sinh viên muốn xin thị thực đi cùng, những đối tượng này phải nộp thêm Giấy đăng ký kết hôn và/hoặc Giấy khai sinh để chứng minh mối quan hệ của họ với sinh viên này.
Thời gian xử lý visa: khoảng 3 ngày, bạn sẽ biết ngay kết quả sau khi phỏng vấn

Thời hạn visa: Đại sứ quán Mỹ cấp visa ngắn hạn 1 năm nhiều lần

Lệ phí visa: 260 usd/ khách. Mọi chi phí không được hoàn lại với những trường hợp không được xét duyệt cấp visa nhập cảnh Mỹ với bất cứ lý do gì theo quy định của ĐSQ Mỹ

Phỏng vấn: Đương đơn phải đến trực tiếp bộ phận thị thực của Đại sứ quán Mỹ  tại  170 Ngọc Khánh, tòa nhà Hoa Hồng, Hà Nội hoặc ở Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại số 4, Lê Duẩn, Quận 1, TP Hồ Chí Minh để chụp ảnh và lấy dấu vân tay.

Thủ tục làm visa thăm thân Mỹ


Bạn có người thân đang sinh sống, học tập hay làm việc tại Mỹ. Bạn đã lên kế hoạch cho chuyến đi Mỹ để đến thăm người thân của mình. Thế nhưng, bạn lại chưa rõ về thủ tục làm visa thăm thân Mỹ như thế nào. Đừng lo, bạn hãy tham khảo những thông tin về thủ tục dưới đây để có thể làm được visa dễ dàng hơn nhé. 

Hồ sơ làm visa thăm thân Mỹ bao gồm:

Hộ chiếu gốc và tất cả các hộ chiếu cũ;
01 ảnh cỡ 5 x 5 mới chụp trong vòng 6 tháng, phông nền trắng, mặt nhìn thẳng;
Hợp đồng lao động hoặc quyết định bổ nhiệm;
Giấy xin nghỉ phép;
Sổ tiết kiệm, xác nhận số dư tài khoản,sổ đỏ nhà đất, xe hơi, nhà cho thuê…;
Sổ hộ khẩu, giấy kết hôn (nếu có);
Thư mời từ Mỹ;
Giấy tờ chứng minh mối quan hệ giữa người mời và người được mời;
Các giấy tờ chứng minh tài chính, công việc và nhân thân của người mời.
Thời gian xử lý visa: khoảng 3 ngày, bạn sẽ biết ngay kết quả sau khi phỏng vấn

Thời hạn visa: Đại sứ quán Mỹ cấp visa ngắn hạn 1 năm nhiều lần

Lệ phí visa: 260 usd/ khách. Mọi chi phí không được hoàn lại với những trường hợp không được xét duyệt cấp visa nhập cảnh Mỹ với bất cứ lý do gì theo quy định của ĐSQ Mỹ

Phỏng vấn: Đương đơn phải đến trực tiếp bộ phận thị thực của Đại sứ quán Mỹ  tại  170 Ngọc Khánh, tòa nhà Hoa Hồng, Hà Nội hoặc ở Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại số 4, Lê Duẩn, Quận 1, TP HCM để chụp ảnh và lấy dấu vân tay.